Jim Cramer là ai mà cả thị trường đầu tư lẫn truyền thông biết đến? Thực tế, Jim Cramer là một người đa tài với nhiều vị thế kinh doanh khác nhau, gồm đầu tư thị trường và MC chương trình truyền hình. Mặc dù điểm xuất phát của Jim Cramer đến từ thị trường đầu tư. Nhưng sự thành công ông có được lại đến từ các chương trình truyền thông, điển hình như chương trình “Mad Money”. Để hiểu kỹ hơn về Jim Cramer, theo dõi tất cả nội dung sau nhé!
Jim Cramer là ai?
Jim Cramer nổi tiếng là chuyên gia tài chính tại Hoa Kỳ, thường xuyên xuất hiện trên truyền thông với chương trình “Mad Money” trên CNBC. Ông được biết đến là nhà đầu tư tài năng trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, dù nổi tiếng với việc đưa ra các dự đoán và gợi ý cổ phiếu nhưng các dự đoán của ông thường thiếu tính chính xác. Thị trường thường đi ngược lại so với những gì ông dự đoán. Dù vậy, mục tiêu của “Mad Money” vẫn là hỗ trợ khán giả trong quá trình suy nghĩ về thị trường và hướng dẫn họ nhìn nhận về thị trường một cách sâu sắc, chuyên nghiệp.
Thay vì lựa chọn con đường luật sư, Jim Cramer đã đánh dấu sự nghiệp của mình với công việc môi giới chứng khoán tại ngân hàng Goldman Sachs. Trong khoảng thời gian sau, ông thành lập quỹ đầu cơ cá nhân với tên gọi Cramer & Co. Ông điều hành quỹ đầu cơ của mình trong 13 năm (1987 – 2000) trước khi chính thức nghỉ vào năm 2001. Trong thời gian đó, quỹ của ông đạt mức lợi nhuận trung bình hàng năm là 24%, mức thu nhập mỗi năm khoảng 10 triệu USD.
Một người dùng Twitter có tên tài khoản Algod đã phát hiện ra phương pháp giao dịch “Inverse Jim Cramer”. Nghĩa là đầu tư khác với những gì Cramer dự đoán. Chính cách giao dịch này đã xây dựng nên một meme phổ biến với cái tên “Inverse Jim Cramer”.
Thời thơ ấu của Jim Cramer
Để biết thêm thông tin về Jim Cramer, hãy tìm hiểu về thời gian thơ ấu và thiếu niên của nhà giao dịch này. Jim Cramer ra đời vào ngày 10/2/1955 tại ngoại ô Hoa Kỳ – Wyndmoor, Pennsylvania. Gia đình của ông có mẹ là nghệ sĩ và cha là người kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực phân phối bao bì. Thông qua truyền thống gia đình, tinh thần của ông đã được nảy mầm sự sáng tạo và chăm chỉ.
Jim Cramer đã chớm nở với kinh doanh khi bán kem tại sân vận động bóng chày địa phương. Dù bây giờ có phần nổi tiếng với những dự đoán thị trường không mấy đáng tin, nhưng thực tế, Jim Cramer từng tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân xuất sắc tại Harvard University. Chính trong thời gian nghiên cứu luật, ông đã bắt đầu đầu tư vào chứng khoán và thành công trong việc phân tích, đầu tư cổ phiếu. Điều này là bàn đạp để ông thuận lợi trở thành nhà môi giới chứng khoán của Goldman Sachs. Sự kiện này cũng đã chuyển hướng sự nghiệp của Cramer, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp kinh doanh thay vì trở thành luật sư.
Con đường kinh doanh của nhà đầu tư Cramer
Tổng quan
Sau khi nghỉ làm việc tại Goldman Sachs, Jim Cramer quyết định khởi nghiệp bằng việc thành lập quỹ đầu tư mang dấu ấn của mình – Cramer & Co. Trong giai đoạn 1987-2000, ông đã điều hành quỹ đầu tư này. Xuyên suốt thời gian này, quỹ giao dịch của ông chỉ ghi nhận 1 năm lỗ. Những năm còn lại, quỹ của Jim Cramer đạt mức lợi nhuận bình quân 24% mỗi năm, đạt doanh số 10 triệu USD/ năm. Nhờ vào thành tích ấn tượng này mà ông đã trở thành nhà đầu tư thành đạt trên phố Wall.
Đồng thời, vào năm 1996, Jim Cramer cũng là đồng sáng lập của TheStreet.com – trang web cập nhật thông tin về thị trường chứng khoán. Với vai trò cổ đông lớn thứ 2, ông đã giúp giá trị vốn hóa thị trường của TheStreet.com lên tới 1,7 tỷ USD trước khi hoàn tất quá trình bán lại cho Maven Co. vào năm 2019.
Sau đó vào năm 2001, Jim Cramer quay trở lại làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Ông trở nên đặc biệt nổi tiếng khi dẫn chương trình “Mad Money” trên kênh CNBC từ năm 2005. Chương trình này giúp khán giả nắm bắt được suy nghĩ của các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường và hấp dẫn rất nhiều người xem.
Thành tựu Jim Cramer đạt được trong sự nghiệp
Sự thành công của nhà đầu tư Jim Cramer trong chương trình “Mad Money” đã mở ra cánh cửa cho ông trở thành MC và tham gia nhiều chương trình đầu tư khác với vai trò khách mời. Vì vậy mà ngoài việc đầu tư chứng khoán, khán giả thường xuyên thấy ông xuất hiện trong các chương trình truyền hình. Điển hình như: Arrested Development, The Daily Show và The Tonight Show.
Theo dự đoán, đến năm 2022, giá trị tài sản ròng của Jim Cramer lên tới khoảng 150 triệu đô la Mỹ. Phần lớn tài sản của ông đến từ quỹ đầu tư mà chính ông là người sáng lập. Với kinh nghiệm và uy tín của mình, Jim Cramer đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ bằng cách tối đa nguồn thu nhập qua nhiều vị thế. Tên tuổi của ông trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, cùng với sự nổi tiếng từ vai trò dẫn chương trình “Mad Money”, đã biến Jim Cramer thành một trong những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán.
Inverse Cramer
Jim Cramer đã trở thành cái tên quen thuộc trên các phương tiện truyền thông lớn trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, những lời khuyên cổ phiếu mà ông đưa ra lại không quá chính xác, ngay từ khi ông mới bước chân vào thị trường. Từ năm 2007, một số bài báo đã chỉ ra rằng việc đầu tư theo hướng hoàn toàn trái ngược với những gì Jim Cramer khuyên có thể tăng khả năng thành công trong giao dịch, đạt tới 25% chỉ trong vòng một tháng.
Ví dụ thị trường chứng khoán
Một điều không may rằng nhiều lời khuyên đầu tư của Jim Cramer đã không mang lại kết quả như mong đợi. Vào năm 2000, sau khi tự hào về số lợi nhuận bản thân kiếm được, ông đã đề xuất mua 10 cổ phiếu tiềm năng. Nhưng sau đó, những cổ phiếu này đồng loạt lao dốc bởi sự đổ vỡ của bong bóng dot-com.
Đến mùa xuân 2007, Jim Cramer đưa ra dự đoán tương đối lạc quan khi nói rằng chỉ số Dow dễ dàng vượt ngưỡng 15.000 điểm. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, chỉ số Dow đã tụt xuống 13.000 điểm. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thắt chặt lãi suất, ông tiếp tục dự báo chỉ số sẽ đạt 14.500 điểm, trước khi khủng hoảng tài chính 2008 bùng phát.
Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, Jim Cramer khuyên nên mua cổ phiếu các công ty công nghệ như Netflix, Qualcomm, Disney vì cho rằng các cổ phiếu giải tri sẽ tăng mạnh vì mọi người đều ở nhà. Thế nhưng cổ phiếu Netflix sau đó lại giảm 38% chỉ sau vài ngày và giảm 65% qua 3 tháng. Sự sụt giảm này đã kéo theo sự thua lỗ của rất nhiều nhà đầu tư nghe theo Jim.
Ngoài ra, Jim Cramer từng đưa ra dự đoán rằng cổ phiếu Coinbase sẽ lên tới 475 đô la thông qua tài khoản tweet cá nhân. Ban đầu, sau khi IPO ở mức 250 đô la, cổ phiếu này đã tăng lên 342 đô la, khiến dự đoán của ông có vẻ đúng đắn. Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng tắt ngấm khi chỉ sau đó chưa đầy 1 tuần, cổ phiếu Coinbase đã lao dốc 34% và không bao giờ quay trở lại con số đỉnh trước đó. Thậm chí sau đó, giá Coinbase còn rớt thê thảm với mức giảm 76% so với mức ông dự báo ban đầu. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy các tweet dự đoán của Jim Cramer thường không chính xác.
Ví dụ trên thị trường crypto
Trên trang Twitter cá nhân, Jim Cramer chỉ đưa ra một lời khuyên chính xác duy nhất là bán Ethereum tại giá chạm đỉnh 2021. Dù vậy, ông chỉ bán một phần và tiếp tục hy vọng vào sự tăng giá mới. Nhưng chỉ sau 20 ngày, thị trường crypto có xu hướng sụp đổ, với Bitcoin rớt từ 69.000 USD xuống còn 30.000 USD trong vòng 2 tháng.
Khi thị trường tiếp tục lao dốc, Jim Cramer thường xuyên đăng status tweet, khuyến nghị mọi người bán tiền điện tử. Một điều thú vị là xu hướng chung dù giảm, các tweet của ông thường bị phản ứng ngược lại. Theo thông tin dựa trên các Tweet, sự giảm giá nhanh chóng được phục hồi. Khi dự đoán tweet tăng giá thì tiền điện tử lại giảm giá.
Gần đây, vào ngày 10/3, Jim Cramer đã quyết định mua cổ phiếu FRC. Nhưng sau đó, giá cổ phiếu này đã giảm mạnh, mất đến 75% giá trị chỉ sau một tuần.
Thời gian trước, ông cũng khuyến khích Traders mua cổ phiếu của SVB và Signature Bank. Ông nhận định đây là những lựa chọn đầu tư có khả năng sinh lời tiềm năng. Tuy nhiên, cổ phiếu của hai ngân hàng này không đem lại mức lợi nhuận như mong muốn.
Mới đây vào ngày 14/3/2023, Jim Cramer tuyên bố sẽ bán toàn bộ số lượng Bitcoin mình đang sở hữu trong lần phục hồi tới. Thế nhưng dự đoán của ông lại hoàn toàn sai lầm khi giá Bitcoin tăng mạnh và vượt qua con số 26.000 đô la Mỹ.
Inverse Cramer ETF
Khả năng nhận định chính xác của Jim Cramer đang bị đặt dấu hỏi sau khi Inverse Cramer ETF giả định trên Unusual Whales cho thấy các khuyến nghị của ông liên tục sai lầm.
- Pro Cramer: Giao dịch theo những gì Cramer khuyến nghị, hiệu suất hiện tại đang âm 23,91%.
- Short Cramer: Ngược lại, khi làm trái lại những gì Cramer khuyên lại mang đến hiệu suất cao với tỷ suất lợi nhuận là 18,38%.
Kết quả hoạt động của Inverse Cramer ETF cho thấy chiến lược đầu tư ngược lại Jim Cramer có hiệu quả hơn so với làm theo các khuyến nghị của ông. Các vị thế ngắn Cramer luôn được giữ nguyên trong khi nhiều vị thế theo Cramer phải đóng lại sau 6 tháng do lỗ vốn. Mặc dù Cramer khẳng định chiến lược của mình hiệu quả trong dài hạn. Nhưng thực sự khó khăn khi nguồn vốn luôn bị thanh lý.
Nhận thấy nhu cầu đặt cược ngược lại Cramer, một quỹ ETF mới có tên Inverse Cramer Tracker ETF (SJIM) đã được tạo ra. Chiến lược của SJIM là đầu tư vào các giao dịch trái ngược so với khuyến nghị của Cramer. Quỹ này đã bắt đầu giao dịch chính thức từ ngày 2/3, song song với Long Cramer Tracker ETF. Thông qua việc ra mắt SJIM, có thể thấy rất nhiều nhà đầu tư đang nghi ngờ năng lực phân tích của Cramer, thậm chí sẵn sàng đặt cược ngược lại ông.
Kết quả ban đầu của Inverse Cramer Tracker ETF rất khả quan khi người sáng lập Uinvst Gurgavin Chandhoke tiết lộ trên Twitter rằng quỹ này đang vượt trội hơn thị trường 5% so với chỉ số SPDR S&P 500 ETF Trust. Tuy chỉ mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng Inverse Cramer ETF đã chứng minh được tiềm năng của mình.
Giao dịch ngược với lời khuyên của Jim Cramer: Nên hay không?
Mặc dù là một nhà giao dịch chứng khoán dày dặn kinh nghiệm, Jim Cramer dần mất đi sự tin tưởng từ cộng đồng đầu tư do những khuyến nghị không nhất quán và thiếu độ chính xác. Thay vì tập trung vào việc cung cấp các phân tích chất lượng để giúp nhà đầu tư kiếm lời, Cramer dường như quan tâm nhiều hơn đến việc gây chú ý truyền thông với những lời khuyên không mấy chắc chắn. Chiến lược này đã giúp ông trở thành một nhân vật nổi tiếng và thu về nhiều lợi nhuận từ các hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các nhà đầu tư ngày càng hoài nghi về năng lực thực sự của ông.
Mặc dù có sự hoài nghi về năng lực của Cramer, việc đầu tư ngược lại ông chủ yếu đến từ cảm xúc ngắn hạn. Ví dụ như sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) hay lo sợ, hoang mang (FUD) chứ không xuất phát từ sự phân tích kỹ lưỡng. Do đó, điều quan trọng là nhà đầu tư nên hiểu rõ Jim Cramer là ai, tại sao ông lại trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội và các thành tích của ông trên con đường đầu tư gồm có những gì? Từ đó mới nghiêm túc đầu tư chứ không chỉ dựa trên cảm tính cá nhân để bước vào thị trường.
Jim Cramer giảm mạnh, thua lỗ hơn 60 tỷ USD
Sau phát biểu của Jim Cramer về việc “không thể giết chết được Bitcoin”, thị trường tiền điện tử đã chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh chỉ sau 24 giờ sau đó. Bitcoin đã giảm hơn 3.000 USD từ mức trên 45.000 USD xuống dưới 42.000 USD trong vài phút trước khi hồi phục một phần. Toàn thị trường mất khoảng 60 tỷ USD vốn hóa, từ 890 tỷ USD xuống còn 830 tỷ USD.
Cùng với sự suy giảm của Bitcoin, hầu hết các đồng coin lớn như Ethereum, XRP, Solana, Binance Coin đều giảm giá đáng kể vào ngày 3/1. Ước tính khoảng 540 triệu USD đã bị rút khỏi thị trường crypto chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Bitcoin ETF – Một sự kỳ vọng trong tương lai
Một trong căn cứ khiến Cramer, người luôn chống đối Bitcoin” có cái nhìn tích cực hơn về tiền điện tử là do kỳ vọng SEC sẽ duyệt hồ sơ quỹ ETF giao dịch Bitcoin vào đầu năm 2024. Kỳ vọng này gia tăng đáng kể sau khi năm mới bắt đầu, với một số thông tin cho rằng Bitcoin ETF có thể được SEC chấp thuận trong những ngày đầu tiên của năm. Tuy nhiên, một số phóng viên kinh tế như Eleanor Tarret của Fox Business đã dự báo rằng tin tức tích cực sẽ khó có trước ngày 4-5/1. Dù vậy, kỳ vọng vào sự phê duyệt Bitcoin ETF vẫn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư tiền mã hóa, trong đó có cả Cramer.
Các kỳ vọng về việc SEC sớm phê duyệt Bitcoin ETF đang dần phai nhạt sau khi Matrixport công bố báo cáo lý giải SEC có thể từ chối phê duyệt một lần nữa. Trong báo cáo, họ cho rằng sự chấp thuận sẽ không xảy ra trước quý 2/2024 và Bitcoin có thể giảm xuống 36.000 USD.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều chuyên gia như Eric Balchunas của Bloomberg duy trì quan điểm cho rằng SEC sẽ phê duyệt Bitcoin ETF trong tháng 1/2024. Dù Matrixport có đưa ra những lập luận hợp lý nhưng vẫn chưa chính thống. Vì vậy mà việc SEC phê duyệt vẫn còn là một ẩn số có khả năng xảy ra cao trong năm nay.
Cuộc tranh luận xung quanh việc SEC có phê duyệt Bitcoin ETF hay không sẽ diễn ra cho đến khi có thông tin chính thức. Chắc chắn điều này sẽ gây ra biến động cho thị trường tiền mã hóa, cho đến khi có quyết định phê duyệt hoặc từ chối.
Phân tích giá BTC
Mặc dù giá Bitcoin giảm mạnh 7,56% vào ngày 3/1, giá vẫn cao hơn các mức giá tại thời điểm năm 2023. Thực tế, đồng tiền số top đầu thế giới đã tăng 154,74% xuyên suốt 52 tuần và duy trì ổn định tại mức 42.160 USD.
Bên cạnh đó, dù hao hụt khoảng 60 tỷ USD vốn hóa chỉ trong một thời gian ngắn, vốn hóa thị trường của Bitcoin vẫn đang cân bằng với giá trị khá lớn, xấp xỉ một số cổ phiếu đứng đầu thế giới.
Tóm lại, bạn có thể không biết đến Jim Cramer là ai trên thị trường giao dịch nhưng chắc hẳn bạn đã từng nghe qua tên gọi của ông trên sóng truyền hình quốc gia. cramer tham gia vào các chương trình với mục đích chia sẻ và hướng dẫn những nhà đầu tư mới. Nhưng không may, tất cả các dự đoán của ông đều đi ngược lại với xu hướng của thị trường. Tuy vậy, thông qua chương trình, nhà đầu tư cũng có thể học hỏi được góc nhìn và tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư chuyên nghiệp thông qua chia sẻ đầy nhiệt huyết của Jim.
Xem thêm:
Câu chuyện phất lên của Michael Marcus sau nhiều lần vấp ngã trong sự nghiệp
Bật mí sự thành công của huyền thoại đầu cơ phố Wall – John Arnold
Tôi là Trang Thái Hùng – tác giả của những bài viết trên ForexDictionary, với kinh nghiệm hơn 5 năm trong lĩnh vực đầu tư tài chính tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc các kiến thức mà tôi đã tích luỹ được, vững kiến thức chọn được nơi đầu tư an toàn lợi nhuận khủng không còn là chuyện quá khó.