Chỉ số ISM là một trong những chỉ số quan trọng mà các trader cần nắm vì nó ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, cũng như thị trường ngoại hối. Theo dõi tin tức về chỉ số ISM sẽ giúp trader có được các quyết định đầu tư sáng suốt. Vậy nên hãy cùng Forex Dictionary tìm hiểu tất tần tật về chỉ số này, cũng như phương pháp giao dịch hiệu quả với chỉ số ISM dưới góc nhìn khách quan nhé.
Chỉ số ISM là gì?
Tổng quan
ISM là từ được viết ngắn gọn từ cụm Institute of Supply Management và là chỉ số được công bố định kỳ mỗi tháng từ viện Quản lý cung ứng Hoa Kỳ. Trong đó, sản xuất và dịch vụ là hai chỉ số kinh tế được dự báo hàng tháng bởi hiệp hội thương mại này. Thông qua chỉ số này, trader có thể đánh giá được sức mạnh của nền kinh tế từ lĩnh vực sản xuất cho đến một trong những chỉ số kinh tế quan trọng hàng đầu – dịch vụ. Dữ liệu về chỉ số ISM sẽ được công bố định kỳ vào mỗi tháng với những thông tin quan trọng về các thay đổi trong mức độ sản xuất.
Ngoài ra, ISM còn được biết đến như một hiệp hội quản lý cung ứng có lịch sử hình thành lâu đời nhất trên thế giới với quy mô rộng lớn. Tổ chức này ra đời vào năm 1915 dưới tư cách là Hiệp hội đại lý mua hàng quốc gia (NAPA). Cho đến năm 1968, khi đã mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển mạnh mẽ hơn, hiệp hội này đã đổi tên thành Hiệp hội Quản lý Mua hàng Quốc gia, Inc.(NAPM). Đến tháng 01/2022 tổ chức này đổi tên thành Viện Quản lý cung ứng (ISM) và giữ cái tên này đến hiện tại.
Quy mô của ISM
ISM là một trong những hiệp hội phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Arizona, Hoa Kỳ. Trong đó, có hơn 50.000 thành viên từ hơn 90 quốc gia trên thế giới hỗ trợ các chuyên gia và tổ chức dành sự quan tâm cho lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời, cung cấp cho họ những chương trình khác nhau về giáo dục, bằng cấp và hỗ trợ nghiên cứu, kèm theo đó là phát hành ấn phẩm và các thông tin về ngành này.
Mặc dù ISM cũng phát hành nhiều chỉ số khác trên thị trường, nhưng chỉ số ISM manufacturing Index (Chỉ số Purchasing Managers Index) hay còn gọi là chỉ số quản lý thu mua PMI là chỉ số được nhiều trader sử dụng và quan tâm nhất.
Có thể nói, ISM là một chỉ số đáng tin cậy để phản ánh hoạt động của nền kinh tế toàn cầu, vì dữ liệu tạo ra ISM được thu thập từ các thành viên là nhà quản lý thu mua trong ngành sản xuất. Ngoài ra, chuỗi cung ứng của một quốc gia sẽ thể hiện sức khỏe của nền kinh tế đó. Thế nên, các trader trên khắp thế giới thường theo dõi cẩn thận bản tin về chỉ số PMI sản xuất, hay còn gọi là Manufacturing PMI và chỉ số phi sản xuất (Services PMI) định kỳ mỗi tháng của ISM Hoa Kỳ.
Khảo sát ISM (ISM survey) hoặc Báo cáo kinh tế ISM (ISM Report On Business) là gì?
ISM Report On Business
ISM Report On Business là báo cáo kinh tế hàng đầu trong việc cung cấp các chỉ số kinh tế. Cụ thể, ISM còn tạo ra các hướng dẫn cho những chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế, cũng như quan chức chính phủ thông qua việc theo dõi điều kiện kinh tế ở các quốc gia.
Như đã trình bày, chỉ số PMI sản xuất (hay còn gọi là Manufacturing PMI) và chỉ số phi sản xuất (hay còn gọi là chỉ số services PMI) là những chỉ số kinh tế đáng tin cậy do ISM công bố vào ngày làm việc đầu tiên và thứ 3 hàng tháng. Bên cạnh đó, viện cũng công bố chỉ số Hospital PMI trong ngày làm việc thứ 5 của mỗi tháng. Ngoài ra, viện cũng cung cấp các dự báo kinh tế bán niên trong tháng 5 và tháng 12.
Có thể xem đây như bản tin tức đầu tiên của nền kinh tế trong mỗi tháng với những bằng chứng sớm nhất về lịch sử hoạt động của nền kinh tế trong tháng trước. Qua đó, các nhà đầu tư có thể đánh giá tình hình hoạt động của thị trường để nhận định những rủi ro tiềm ẩn.
Khảo sát ISM (ISM survey)
Các dữ liệu nêu trên sẽ được thu thập từ các cuộc khảo sát của ISM, hay còn gọi là ISM surveys. Cuộc khảo sát này sẽ do các ủy ban khảo sát kinh doanh Sản xuất và Dịch vụ của ISM theo dõi và quản lý.
Thông thường, những dữ liệu này sẽ được thu thập từ các cuộc khảo sát định kỳ mỗi tháng thông qua bảng câu hỏi cho nhà quản lý mua hàng và cung ứng từ hơn 400 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và được khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể là hiệu quả kinh doanh đang tăng, giảm, hay không có sự thay đổi nằm trong những nhóm sau:
- Đơn hàng mới (New Orders): Là những đơn hàng mới do đại lý mua.
- Sản xuất (Production): Đây là lượng hàng hóa mà doanh nghiệp đã sản xuất.
- Việc làm (Employment): Thực trạng thuê nhân công ở doanh nghiệp.
- Nguồn cung (Supplier Deliveries): Tốc độ cung ứng hàng hóa của các nhà cung cấp.
- Dự trữ hàng tồn kho (Inventories): Số lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp cho quá trình sản xuất.
- Dự trữ hàng tồn kho của khách hàng (Customer Inventories): Mức độ dự trữ của khách hàng theo phỏng đoán của các đại lý.
- Giá hàng hóa (Prices): Mức giá mà nhà cung cấp nhận được từ phía nhà sản xuất.
- Đơn hàng tồn đọng (Backlog of Orders): Là những đơn hàng mà doanh nghiệp chưa hoàn thành.
- Đơn hàng xuất khẩu mới (New Export Orders): Là tỷ lệ đơn hàng từ những quốc gia khác.
- Nhập khẩu (Imports): Nguyên liệu mà đại lý nhập từ quốc gia khác.
Báo cáo được hiển thị dưới dạng gì?
Báo cáo kinh tế của ISM sẽ được thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm của các câu trả lời, cũng như chênh lệch ròng giữa số lượng trả lời về chiến lược kinh tế tích cực và chiến lược kinh tế tiêu cực, kèm theo đó là chỉ số khuếch tán. Trong đó, chỉ số khuếch tán gồm có tỷ lệ phần trăm từ những câu trả lời tích cực và một phần hai tỷ lệ phần trăm số câu trả lời được xem là tích cực. Các câu trả lời sẽ là dữ liệu thô và không bị chỉnh sửa trong bất kỳ trường hợp nào.
Chỉ số ISM Manufacturing Index (ISM Manufacturing PMI)
Chỉ số ISM Manufacturing Index còn được gọi là PMI Index và là chỉ số kinh tế quan trọng hàng đầu trên thị trường. Thông qua chỉ số này, các nhà đầu tư sẽ có thêm một công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình ra quyết định. Chỉ số PMI Index còn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong thị trường ngoại hối, đặc biệt là chỉ số PMI từ những quốc gia có nền kinh tế quan trọng. Chẳng hạn như chỉ số ISM trong khu vực sản xuất của Mỹ có thể xếp chung hạng vị trí với chỉ số NFP – Nonfarm Payrolls. Đặc biệt là khi chúng được phát hành thì thị trường sẽ có nhiều biến động.
Cách xác định chỉ số ISM
Chỉ số ISM Manufacturing PMI được tạo ra từ câu trả lời của hơn 300 nhà quản lý cung ứng trên toàn nước Mỹ thuộc 20 phân khúc từ sản xuất như hàng hóa dược phẩm, cho đến hàng hóa máy tính và điện tử, cùng với thiết bị vận tải… Có thể xem chỉ báo này như một thước đo đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Trong đó, ISM Manufacturing PMI là chỉ số kết hợp từ nhiều chỉ số khuếch tán khác nhau được điều chỉnh theo thời vụ đối với 5 chỉ báo có tỷ trọng khác nhau như:
- Đơn hàng mới (New Orders) 30%
- Sản xuất (Production) 25%
- Việc làm (Employment) 20%
- Giao hàng từ phía nhà cung cấp 15%
- Hàng tồn kho 10%
Còn những phần như hàng tồn kho của khách hàng, giá… sẽ bổ sung thêm những tin tức phản ánh quá trình sản xuất được thực hiện như thế nào.
Ý nghĩa của chỉ số ISM
Nhiều người nghĩ chỉ số ISM không quá quan trọng vì dữ liệu của chỉ số này chỉ là ý kiến của những nhà quản lý. Thế nhưng, đây lại là một chỉ số cung cấp các tín hiệu tăng trưởng kinh tế khá quan trọng. Chỉ số này có nguyên tắc hoạt động nhữ một chỉ số tăng trưởng hoặc giảm GDP hàng đầu trên thế giới. Thế nhưng, điều quan trọng hơn hết là các ngân hàng trung ương thường dựa vào tín hiệu của chỉ số ISM để quyết định các chính sách về tiền tệ.
Nhà cung ứng là người nắm rõ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp
Cụ thể, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng nguồn cung đủ để hoạt động sản xuất. Khi đó, nhà quản lý thu mua sẽ là những người nắm rõ nhu cầu này và thu mua lượng nguyên vật liệu phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Khi cầu của một sản phẩm bất kỳ tăng thì phía nhà quản lý thu mua sẽ có động thái tăng mua nguyên liệu sản xuất và những nguồn khác. Ngược lại, khi doanh số giảm thì nhà quản lý thua mua sẽ điều chỉnh bằng cách cắt giảm đơn hàng mua nguyên liệu sản xuất. Thế nên, nhà quản lý thu mua sẽ là những người nắm rõ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp nhất. Từ đó, họ có thể ra quyết định điều chỉnh mua hoặc cắt giảm đơn hàng nguyên vật liệu phù hợp.
Chỉ số ISM phản ánh giá trị của GDP trong tương lai
Thông qua chỉ số ISM, tổng sản phẩm quốc nội GDP có thể được đánh giá một cách khách quan về xu hướng chuyển động trong tương lai. Do đó, ISM đã trở thành một dữ liệu kinh tế được theo dõi sát sao. Ngoài ra, các chỉ số phụ của các đơn đặt hàng mới và công việc chưa được hoàn thành sẽ phản ánh tình hình sản xuất trong tương lai.
Ngoài ra, chỉ số ISM còn thể hiện tốc độ mua và bán trong lĩnh vực sản xuất theo mỗi tháng. Từ đó, những nhà hoạch định sẽ có được một bức tranh tổng quan hơn về tốc độ tăng trưởng hoặc suy yếu về lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của 1 công ty nói riêng và cả quốc gia nói chung. Đặc biệt là với Hoa Kỳ, chúng ta sẽ nắm được tình hình kinh tế của quốc gia này thông qua dữ liệu mà ISM cung cấp. Đó là do hàng hóa sản xuất chiếm 1 nửa trong nền kinh tế của Mỹ.
Chỉ số ISM khu vực phi sản xuất (ISM non-manufacturing index)
Chỉ số ISM khu vực phi sản xuất còn được gọi là ISM services Index, hoặc ISM non-manufacturing index. Mặc dù chỉ số này không thông dụng như ISM Manufacturing PMI nhưng nó cũng là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng do ISM cung cấp. ISM services Index được tạo thành từ câu trả lời của hơn 400 nhà quản lý thu mua và cung ứng từ những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phi sản xuất, hay dịch vụ.
Trước đây, ISM non-manufacturing index được gọi là Non-Manufacturing NMI với một vài chỉ số lan tỏa từ dữ liệu được khảo sát nhờ hoạt động kinh tế của hơn 15 ngành công nghiệp từ lĩnh vực dịch vụ như: Dịch vụ ăn ở và ăn uống, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, hay Đánh cá và Săn bắn, cũng như lĩnh vực Nghệ thuật, Giải trí, hay Dịch vụ giáo dục, kèm theo đó là Tài chính và bảo hiểm, Chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội, Dịch vụ chuyên nghiệp, cùng với khoa học và kỹ thuật, Hành chính công, Bất động sản, Bán lẻ, Vận chuyển và kho bãi, Tiện ích…
Vào tuần đầu tiên của mỗi tháng, chỉ số này sẽ được ISM công số và thường là ngày thứ 3 trong tháng. Từ đó, mọi người sẽ có được một cái nhìn tổng quan về nền kinh tế của Mỹ thông qua lĩnh vực phi sản xuất.
Chỉ số ISM ảnh hưởng đến thị trường Forex như thế nào?
Các công bố về ISM Manufacturing PMI thường được công bố vào lúc 10 giờ 30 phút sáng EST nên nó tạo ra động lực rất lớn trên thị trường. Khi đó, tỷ giá của các các cặp tiền có thể biến động mạnh. Các bản báo cáo kinh tế này đều được tạo ra từ dữ liệu kinh tế trong quá khứ, cụ thể hơn là vào tháng trước của các chuyên gia kinh tế trong ngành. Từ đó, các trader có thể xác định được nền kinh tế của Hoa Kỳ mở rộng hay thu hẹp như chức năng của bảng lương phi nông nghiệp (NFP).
Các bước đọc hiểu chỉ số ISM trong lịch kinh tế
Ý nghĩa của giá trị ISM
Trước tiên, trader cần nắm được chỉ số ISM được tính theo tỷ lệ phần trăm với mức trung bình là 50%. Khi đó
- Nếu ISM > 50: Phản ánh rằng Mỹ đang tăng trưởng thông qua việc mở rộng sản xuất.
- Nếu 43 < ISM < 50: Tức là quá trình sản xuất đang dần thu hẹp.
- Nếu ISM < 43: Cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu và suy thoái và FED được kỳ vọng là cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.
Các kịch bản có thể xảy ra khi công bố chỉ số ISM
Có 3 cột dữ liệu xuất hiện trong lịch kinh tế là: dữ liệu của ISM vào tháng trước, dự đoán trong tháng này và dữ liệu thực tế. Việc của trader là so sánh số liệu của ISM trong quá khứ và con số được dự báo với các kịch bản sau:
- ISM thực tế > ISM dự đoán: Đồng USD có thể tăng với những tín hiệu tích cực.
- ISM thực tế < ISM dự đoán: Đồng USD có thể giảm với những tín hiệu tiêu cực. Trader nên phân tích cơ bản kết hợp với phân tích kỳ thuật để ra quyết định giao dịch sáng suốt.
Ví dụ như tin tức về PMI được phát hành với giá trị cao hơn so với tháng trước ở mức 54,9. Khi đó, giá trị PMI tốt hơn kỳ vọng được tạo ra đã giúp đồng USD tăng mạnh hơn so với Euro. Ngay sau đó, giá trị của USD đã tăng khiến tỷ giá EUR/USD giảm bất ngờ. Cụ thể, cặp tiền EUR/USD đã giảm 150 pips chỉ trong vài giờ.
Bên cạnh đó, Eurozone vốn là khu vực có tính thanh khoản cao nên dễ dàng hấp thụ các làn sóng khổng lồ đang tìm nơi trú ẩn từ Mỹ. Thế nên, chỉ số ISM phi sản xuất của Mỹ khi giảm sẽ khiến đồng USD bị bán tháo và cầu về đồng Euro tăng để đầu tư vào thị trường châu Âu.
Kịch bản thứ 2 khi dữ liệu được công bố phù hợp với dự đoán hoặc không có sự thay đổi thì đồng USD có thể không có phản ứng.
Chỉ số ISM là số liệu kinh tế quan trọng mà các trader nên quan tâm trong quá trình đầu tư trên thị trường. Trong đó, sản xuất và dịch vụ là 2 chỉ báo quan trọng hàng đầu mà Viện Quản lý Cung ứng Hoa Kỳ công bố. Hy vọng qua bài viết, trader sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh về chỉ số này.
Tôi là Trang Thái Hùng – tác giả của những bài viết trên ForexDictionary, với kinh nghiệm hơn 5 năm trong lĩnh vực đầu tư tài chính tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc các kiến thức mà tôi đã tích luỹ được, vững kiến thức chọn được nơi đầu tư an toàn lợi nhuận khủng không còn là chuyện quá khó.